Trồng cây cảnh trang trí nhà cửa và thanh lọc không khí đang là xu hướng chung mà mọi người lựa chọn. Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại cây cảnh, từ cây cảnh lá, đến cây hoa cảnh hoặc cây cảnh chưng trái. Để biết mình nên trồng cây cảnh nào trong nhà hoặc văn phòng làm việc, bạn có thể tham khảo một số loại cây cảnh dễ trồng dưới đây.
1. Cây cảnh dạng dây leo
Cây Trầu Bà
Có thể nói Trầu Bà hay Pothos là loại cây cảnh thuộc top đầu dễ trồng. Cây có sức sinh trưởng mạnh mẽ, sống được ở hầu hết mọi môi trường, ngoài nắng hay bóng râm, trồng đất hay trồng nước, đất giàu dinh dưỡng hay thiếu chất. Cây còn có khả năng cung cấp oxy cả ngày lẫn đêm (nhờ cơ chế quang học CAM). Đồng thời, loại cây cảnh dạng dây leo này có thể lọc được các khí ô nhiễm như formaldehyde, xylen và benzen, … nên rất thích hợp để trồng thanh lọc không khí dù là ở đâu.
Cây Thường Xuân
Thường Xuân hay thường xanh cũng chính là tên gọi của một loài cây dây leo có sinh sôi lan nhánh nhanh nhất. Chúng ta có thể chăm chút cây, trồng trong đất hoặc trong nước, cũng có thể bỏ hẳn, cây vẫn đẻ cành mọc lá bò khắp mọi nơi. Thường Xuân không chỉ leo được lên tường rào, sống trên mặt đất mà đôi khi còn thấy cây dường như mọc ra từ đá vậy.
Cây Lan Hạt Dưa
Cây Lan Hạt Dưa có những chiếc lá nhỏ nhắn hình thù hơi giống hạt dưa, màu xanh tươi hoặc xanh trắng khá đẹp. Lá cây trữ nước, nên có khả năng chịu khô hạn cao, được trồng ở nhiều nơi. Cây dễ trồng bởi không đòi hỏi nhiều kỹ thuật trồng và công chăm sóc.
Lan Hạt Dưa không chỉ là cây cảnh được trồng để trang trí nhà cửa, văn phòng làm việc, quán cafe, … mà còn là cây phong thủy mang lại may mắn, tiền tài cho nhiều người. Chắc hẳn đây sẽ là gợi ý hợp lý cho những người mới bắt đầu làm quen với cây cảnh.
Cây Cỏ Lan Chi (Dây Nhện)
Không cần phải nghi ngờ gì khi cây Cỏ Lan Chi (hay cây Dây Nhện) nằm trong top những cây cảnh dễ trồng. Cỏ Lan Chi có lá mảnh, mỏng, dài, mọc thành bụi um tùm, dễ đẻ con thông qua các dây dài. Cỏ Lan Chi còn được biết đến là “máy lọc không khí”, có thể hấp thụ các khí độc như CO, NO3 do các lò than, thiết bị điện, chế phẩm nhựa thải ra, và cả khí benzen, hay nicotin độc hại có trong khói thuốc lá.
2. Cây cảnh thường xanh
Cây cảnh thường xanh là danh từ chung bằng tiếng Việt của loài Aglaonema (xanh ở đây là xanh tốt, không phải màu xanh). Nếu kể tên thì loài này rất đa dạng về giống cây, bao gồm các cây như: cây Ngân Hậu, cây Huy Hoàng, cây Vạn Niên Thanh, cây Bạch Mã Hoàng Tử, cây Ngọc Ngân, cây Phú Quý, cây Thịnh Vượng, cây Vạn Lộc, cây Hồng Phát Lộc, …
Những cây cảnh thường xanh này khá dễ trồng trong nhà, dưới ánh đèn huỳnh quang, trong bóng râm, dưới tán cây lớn hoặc nơi ánh sáng nhẹ. Ngay từ tên gọi cũng đã hiểu được đặc tính của cây, đây là loại cây cảnh xanh tươi quanh năm. Nếu lá có sắc màu như thế nào thì cả năm sẽ đều mang vẻ ngoài xanh tốt như vậy, dù là xanh, trắng xanh, hay đỏ, …
3. Cây cảnh chịu bóng râm
Cây Lưỡi Hổ
Cây Lưỡi Hổ hay còn có tên khoa học là Sansevieria trifasciata. Lưỡi Hổ chịu nắng và chịu hạn khá tốt, nhưng cũng có thể phát triển tốt trong điều kiện ánh sáng yếu. Cây trồng đất hay thủy sinh thì đều vẫn sống được. Do đó, đây cũng là một trong những cây cảnh dễ trồng trong nhà và phổ biến nhất từ trước đến nay.
Đặc biệt, nhờ vào cơ chế CAM mà Lưỡi Hổ còn có khả năng cung cấp oxy vào ban đêm, giúp cải thiện giấc ngủ của chúng ta nếu được đặt trong phòng ngủ. Cây cũng là biểu tượng của sự bình an, bảo vệ con người khỏi những điều ma quái, xui xẻo.
Cây Lan Ý
Lan Ý có tên khoa học là Spathiphyllum Wallisii (Peace Lily). Cây cực thích bóng râm, nơi có ánh sáng một phần, dưới tán cây lớn hoặc những căn phòng không có cửa sổ. Lan Ý có nắng sẽ nở hoa trắng muốt đầy tuyệt đẹp, nhưng nếu nắng quá gắt sẽ dẫn đến cháy lá. Tuy là cây dễ trồng những bạn cũng cần lưu ý điều này nhé. Lan Ý sẽ thích hợp hơn với một không gian nội thất sang trọng và tinh tế.
4. Cây Sen Đá, Xương Rồng
Có thể nói, Sen Đá và Xương Rồng là loại cây cảnh đẹp dễ trồng được giới trẻ ưa chuộng nhất hiện nay. Cả hai đều thuộc dòng cây mọng nước, chịu hạn, ưa khô nóng, nhiều ánh sáng và có sức sống mãnh liệt. Vân chưa có thống kê chính xác nào về số liệu tất cả các loài Sen Đá Xương Rồng có mặt ở Việt Nam và thế giới. Điều này cho thấy sự đa dạng về giống loài của hai loại cây này.
Ngoài đặc tính dễ sống, dễ chăm sóc ra, hai cây này còn khá dễ nhân giống. Đối với Sen Đá, chúng ta chỉ cần chọn cây mẹ mập mạp khỏe mạnh, tách lấy lá (từ gốc lá), đem giâm vào đất ẩm để nơi thoáng mát, 2 tuần sau sẽ mọc lên cây con. Nhiều loài Xương Rồng cũng được trồng bằng cách như thế. Thật đơn giản phải không nào!