Bí quyết chăm sóc cây cảnh để bàn luôn xanh tốt

Bạn đang có ý tưởng trang trí bàn làm việc, bàn trà phòng khách bằng cây xanh để giải tỏa căng thẳng, giảm thiểu tác hại của đồ dùng điện tử và tạo không gian sinh động. Thế nhưng, bạn không biết trồng cây như thế nào là đúng, và chúng cứ chết dần chết mòn kể cả khi bạn cố gắng cứu chữa. Đừng lo, nếu đọc bài viết này, bạn sẽ phải ngạc nhiên bởi cách chăm sóc cây cảnh để bàn cực kỳ đơn giản.

Nguyên nhân khiến cây cảnh để bàn dễ chết

Thật ra, đa số cây cảnh để bàn đều rất dễ chăm sóc. Nếu cây bạn trồng bị chết thì sẽ có vài nguyên nhân sau đây:

  • Chăm sóc sai cách: cây mọng nước thì lại cung cấp quá nhiều nước, cây cần ẩm thì bỏ mặc không tưới, dùng đất trồng Kim Ngân cho cây Xương Rồng, …
  • Quá để ý đến cây: ngày nào cũng tưới nước và tưới nhiều nước, đem cây phơi nắng gắt.
  • Chọn những cây thuộc dòng khó chăm sóc hoặc cần nhiều kỹ thuật như: cây lan, cây xương rồng ghép, …
  • Trồng những loại cây cảnh “ngắn ngày” như: hoa dạ yến thảo, cây lúa, cây May Mắn từ hạt thanh long, …

Dưới đây là gợi ý một số cây cảnh để bàn dễ trồng và chăm sóc:

1. Cách chăm sóc cây cảnh Kim Ngân

Cây Kim Ngân là loại cây cảnh trong nhà dễ chăm sóc nhất. Các bạn chỉ cần trồng cây trong đất tơi xốp và thoát nước tốt. Cây Kim Ngân không cần quá nhiều ánh sáng hay nước tưới nên người trồng không phải tốn công nhiều. Cây còn có thể sống được cả trong nước hàng tháng trời mà không cần bổ sung chất dinh dưỡng vẫn xanh tươi. Điều quan trọng bạn cần nhớ khi chăm sóc loại cây cảnh để bàn làm việc này là:

  • Cây thích hợp trong điều kiện ánh đèn huỳnh quang và máy điều hòa nhiệt độ từ 18-30 độ C.
  • Trồng cây trong đất thì nên tưới nước tuần 1-2 lần, tưới khi đất trong chậu thật sự khô.
  • Cây Kim Ngân thủy sinh cần châm nước khi cạn và thay nước khi nước đổi màu.
  • Kim Ngân hầu như không phát triển kích thước nhiều, nhưng cũng cần cắt tỉa lá úa, già để cây khỏe hơn.

2. Cách chăm sóc cây Kim Tiền để bàn

Cây Kim Tiền có đặc tính sinh học nổi bật là có thể nhân giống dễ dàng bằng cách giâm lá hoặc cành trong đất ẩm. Chính vì thế người trồng không nên quá lo lắng về việc cây có thể chết. Sức sống của Kim Tiền thuộc vào loại hàng đầu đấy. Lưu ý rằng, để cây Kim Tiền sống lâu thì bạn cần mua về một chậu cây khỏe mạnh nhé.

Hãy đảm bảo rằng chậu trồng cây Kim Tiền đủ lớn để chứa được bộ rễ nhanh phát triển và thân cây nhanh lan nhánh nhé. Trường hợp cây Kim Tiền nhảy cành quá nhiều, tốt hơn hết là thay chậu mới cho cây.

Cũng giống như hầu hết các loại cây cảnh để bàn khác, Kim Tiền không cần chăm sóc quá nhiều. Bạn chỉ cần đặc biệt chú ý rằng, lá và thân Kim Tiền mọng nước, do đó phải hạn chế việc tưới nước đối với cây cảnh này. Thông thường mỗi tuần một lần, người trồng nên mang cây Kim Tiền phơi nắng nhẹ trước 10h sáng để cây quang hợp tốt hơn, kích thích ra lá non xanh biếc.

3. Cách chăm sóc cây Cau Tiểu Trâm để bàn làm việc

Khi chăm sóc cây Cau Tiểu Trâm, điểm đặc biệt cần lưu ý nhất là nên cắt tỉa lá thường xuyên. Cay Cau Tiểu Trâm có cành nhỏ lá nhỏ nhưng phát triển rất nhanh và khá um tùm. Lá già khô và rụng trong thời gian ngắn, chừa chỗ cho cành lá non mới mọc. Nếu bạn không cắt bỏ chúng, sẽ làm cây trông xơ xác, thiếu thẩm mỹ và cũng tạo điều kiện cho sâu, bọ trú ngụ.

Các điều kiện môi trường cần có để Cau Tiểu Trâm sống được như đất, nước, ánh sáng và nhiệt độ đều gần như tương đồng với Kim Ngân. Tuy nhiên, Cau Tiểu Trâm cần thường xuyên được phun sương lên lá hàng ngày (dùng bình xịt phun, khác với tưới nước) để lá xanh mướt hơn. Đó cũng là cách giữ cho cành lá sum sê của cây trôi bớt bụi bẩn.

4. Cách chăm sóc cây Lưỡi Hổ để bàn làm việc

Lưỡi Hổ là cây cảnh có lá mọc từ gốc, dày và mọng nước. Cây được nhân giống đơn giản bằng giâm lá trực tiếp vào đất dinh dưỡng. Đây là loại cây cảnh để bàn làm việc rất dễ chăm sóc. Bất kể môi trường nào, nhiều ánh sáng hay bóng râm, đất hay nước hay bán thủy sinh, lạnh hay ấm, nhiều dinh dưỡng hay đất bạc màu, Lưỡi Hổ đều sống được.

Bởi đặc tính sinh trưởng mạnh mẽ, rễ khỏe nên cây Lưỡi Hổ thích hợp với mọi loại đất trồng. Tuy nhiên, giúp cây sinh trưởng tốt nhất vẫn là hai loại đất:

Hỗn hợp đất tơi xốp, dễ thoát nước, bao gồm: đất dinh dưỡng + mùn cưa/tro trấu + xơ dừa.

Hỗn hợp đất trồng tương tự đất cho cây:

  • 25% đá Perlite (giúp đất tơi, dễ ra rễ non, thoát nước nhưng giữ ẩm tốt).
  • 25% đá núi lửa Pumice (nhằm giữ ẩm nhưng không ướt và tiết kiệm phân bón). Bạn cũng có thể thay thế bằng tro trấu, xơ dừa.
  • 20% Phân bò hoặc phân trùn quế (cần dùng thuốc trị nấm trước khi sử dụng chúng)
  • 30% Akadama, Peat Moss, hoặc Tribat (bổ sung chất dinh dưỡng cho cây)

Bên cạnh ưu điểm dễ chăm sóc, Lưỡi Hổ còn có nhiều loại rất đẹp để bạn trang trí bàn làm việc. Hãy thử tham khảo và trồng ngay cho mình một chậu nhé.

5. Cách chăm sóc cây Sen Đá

Nhiều người cho rằng cây Sen Đá rất khó trồng, bởi cây thuộc loại dễ chết. Nhưng Vườn Cây Việt lại không gặp nhiều trở ngại khi chăm sóc Sen Đá. Cách chăm sóc cây cảnh để bàn nói chung và Sen Đá nói riêng là phải hiểu cây cần gì.

Cây Sen Đá ban đầu mua ở nhà vườn hoặc cửa hàng về, bạn nên thay đất cho cây. Đó là cách để giữ cây khỏi chết. Hỗn hợp đất chuẩn mà cây cần đó là:

  • 25% Pumice (giữ ẩm nhưng vẫn thoát nước tốt)
  • 35% Perlite (giúp đất tơi xốp)
  • 30% Trấu hun hoặc phân bò hoặc tribat (bổ sung dinh dưỡng cho cây)
  • 10% sỉ than để giảm chi phí và thoát nước
  • Tùy vào từng loại Sen Đá mà nhu cầu ánh sáng sẽ khác nhau. Echeverias cần phơi nắng nhẹ, gián tiếp hoặc khuếch tán khoảng 4-5 tiếng/ngày. Cây cần phơi nắng 2-3h/ngày, vào khoảng 8h đến 11h sáng. Điểm chung của các loài Sen Đá là chịu hạn nên tưới nước càng ít càng tốt, trung bình 1 tuần/lần hoặc 2 tuần/lần cũng được.

Trên đây là gợi ý cách chăm sóc một số cây cảnh để bàn thông dụng. Nếu cần thêm thông tin về bất kỳ loại cây trồng nào, bạn có thể liên hệ CÂY XANH QUẢNG NINH AVISCO để được tư vấn và hỗ trợ miễn phí nhé. AVISCO luôn giải đáp thắc mắc và làm việc 24/7 để mang đến cho khách hàng sự hài lòng nhất.

Trả lời