Cây tùng thơm có hình dáng xinh xắn, màu xanh sáng bắt mắt lại mang mùi thơm dễ chịu nên được trồng nhiều trong nhà làm cây cảnh để bàn.
Giới thiệu về cây tùng thơm
Tên khoa học của cây tùng thơm là Cupressus macrocarpa thuộc họ tùng. Một số nơi gọi cây tùng thơm là cây tùng chanh hay cây tùng hương. Có những cái tên như vậy vì cây có mùi thơm rất dễ chịu đặc trưng. Lá cây tùng thơm có dạng lá kim, màu xanh nõn chuối nhìn rất tươi.
Cây tùng thơm ở Việt Nam chủ yếu được trồng trong các chậu để làm cảnh trong nhà. Nhưng cây cũng có thể trồng ngoài trời tại các khu vực nắng nhẹ cũng rất đẹp. Với kích thước nhỏ, dễ sinh trưởng và tuổi thọ cao, đây là loài cây để bàn rất được ưa chuộng. Nếu như bạn có ý định mua và trồng cây cảnh đẹp và dễ thương này, hãy bắt tay trồng ngay không cần lo lắng nhé.
Đặc điểm của cây tùng thơm
Cây tùng thuộc loại cây thân gỗ có kích thước nhỏ. Những cây thông thường cao từ 40- 60cm. Có những cây cao thì tối đa lên tới 2 đến 3m. Lá cây tùng thơm thuộc dạng lá kim, mọc khá dày và có màu xanh như nõn chuối nhìn rất đẹp và dịu mắt. Các tán lá nhỏ dần về ngọn tạo thành hình tháp tự nhiên có tính thẩm mỹ cao.
Giống như các loại cây tùng khác, cây tùng thơm có chứa tinh dầu. Tuy nhiên điểm đặc trưng của cây là tinh dầu của cây có mùi thơm dễ chịu và xua đuổi côn trùng. Các loài sâu bọ, muỗi và ruồi không thích mùi hương này nên cây cũng ít bị nhiễm sâu bệnh.
Rễ của cây tùng thơm thuộc loại rễ chùm, bò ngang. Bộ rễ sinh trưởng mạnh và phân ra nhiều rễ con nên khả năng hút nước của cây rất tốt.
Ý nghĩa cây tùng thơm
Nhắc đến cây cảnh, những người sành sỏi trong giới chơi cây cảnh sẽ nghĩ ngay đến bộ tứ quý Tùng – Trúc – Cúc – Mai. Đứng đầu trong bộ tứ ấy, cây tùng nói chung và cây tùng thơm nói riêng mang trong mình những ý nghĩa rất tốt đẹp.
Cây tùng là loài cây mọc thẳng có dáng đẹp, thế hiên ngang. Người ta vẫn thường ví đứng thẳng như tùng cũng là vì lẽ ấy. Cây tùng như là một người quân tử luôn luôn ngay thẳng dù trong bất cứ trường hợp nào. Càng gặp phải nhiều gian nan thử thách chỉ càng tôi luyện bản lĩnh và sự vững vàng như cây tùng hiên ngang trước gió bão mưa sa. Cây tùng thơm cũng mang đầy đủ những nét đẹp ấy của cây tùng nên trồng cây trong nhà sẽ tạo sự sang quý và hiên ngang cho chủ nhân.
Trong phong thủy, cây tùng thơm có thể trừ tà, xua đuổi ma quỷ và điềm xấu khỏi căn nhà của bạn. Cây có mùi thơm dịu đối với con người nhưng lại có thể đuổi muỗi nên người ta rất tin tưởng vào khả năng trừ tà của cây.
Mùi hương của cây tùng thơm khiến người ngửi cảm giác minh mẫn tinh thần, giảm stress và gây hưng phấn nhẹ. Đặt cây trong phòng làm việc giúp làm việc hiệu quả hơn và tạo sự thoải mái. Vì vậy người ta coi tùng thơm là loài cây mang điềm lành và giúp đem lại thành công cũng như những thứ thanh sạch đến cho người trồng.
Tác dụng của cây tùng thơm
Cây tùng thơm được trồng nhiều trong nhà như một loại cây cảnh. Hình dáng nhỏ gọn khiến cây khá được ưa chuộng và dễ dàng đặt tại nhiều vị trí khác nhau trong nhà. Với màu xanh nõn chuối mát mắt và tán lá tạo thành hình tháp, cây tùng thơm có thể khiến không gian trong phòng sáng và sang trọng hơn. Màu cây khá sáng nên việc phối hợp với màu của các đồ vật còn lại trong phòng khá dễ dàng.
Những người làm việc phải tiếp xúc nhiều với máy tính thường để cây tùng thơm trên bàn làm việc. Màu xanh của cây nhìn rất mát và dịu giúp đôi mắt đỡ nhức và mỏi hơn vì nhìn màn hình điện tử quá lâu. Mùi hương của cây có các chất giúp trí não tập trung và hưng phấn thần kinh nên có thể hỗ trợ làm việc đạt kết quả cao hơn.
Các loài côn trùng như ruồi muỗi rất sợ mùi của cây tùng thơm. Vì vậy đặt cây tại các vị trí như cửa sổ, cửa ra vào hay cạnh giường giúp xua đuổi muỗi hiệu quả. Đặc biệt đặt cây trong phòng ngủ khiến không khí trong lành, thơm ngát hơn nên giúp dễ ngủ.
Là loài cây đẹp và có ý nghĩa tốt lành, cây tùng thơm là sự lựa chọn khá tuyệt để đem làm quà tặng. Cây tùng thơm có nhiều tác dụng nên phù hợp với nhiều loại người và lứa tuổi khác nhau.Đặc biệt là mùi hương của cây sẽ luôn nhắc nhở người được tặng nhớ về người đã tặng quà.
Cách trồng cây tùng thơm
Cây tùng thơm trồng trong chậu hay trong vườn đều đẹp và phát triển tốt nên tùy vào sở thích mà bạn lựa chọn. Phương pháp giâm cành hoặc chiết cành thường được lựa chọn bởi sự đơn giản và phát triển nhanh.
Tùng thơm là loài lá kim nên khả năng hút nước và chịu úng kém. Vì vậy cần chọn loại đất có độ tơi xốp cao và giàu dinh dưỡng. Các loại phân bón tự nhiên như xơ dừa, mùn cưa trộn lẫn với đất vườn sẽ đảm bảo cho cây phát triển tốt nhất. Nếu trồng trong chậu thì nên đục lỗ để thoát nước.
Đặt cành con vào trong đất một cách nhẹ nhàng, lấp đất kín phần gốc. Tiến hành tưới phun sương cho cây quanh gốc và trên cành lá. Tưới nước đều mỗi ngày cho cây.
Cây con còn yếu nên không thể đặt trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời. Cây tùng thơm bị héo khi tiếp xúc dài với nhiệt độ cao và ánh sáng mạnh. Chọn những vị trí có bóng râm với nhiệt độ phòng để cây phát triển tốt.
Sau vài tuần, cây đã chắc rễ thì không cần chăm sóc quá cầu kỳ. Có thể đặt cây trồng tại các vị trí trong nhà hay ngoài vườn tùy thích. hinh thoảng tưới nước cho cây để cây không bị thiếu nước.
Cách chăm sóc cây tùng thơm
Nhìn chung các loại cây lá kim đều có sức sống mạnh, và cây tùng thơm cũng nằm trong số đó. Trong quá trình chăm sóc cây bạn chỉ cần lưu ý một số điểm sau:
Ánh sáng
Chỉ cần không đặt trực tiếp cây tùng thơm dưới ánh sáng mặt trời, bạn có thể trồng cây tùng thơm tại nhiều nơi khác nhau. Nếu trồng cây trong bóng râm ít ánh sáng, bạn chỉ cần mang cây ra ngoài buổi sáng khoảng 2-3 tiếng mỗi ngày là đủ để cây xanh tốt. Thông thường các vị trí gần cửa sổ và ban công là phù hợp nhất cho cây tùng thơm trồng trong nhà.
Đất trồng
Dù trồng cây trong chậu hay trực tiếp tại đất thì cũng nên lưu ý không bón quá nhiều phân hóa học sẽ làm xấu đất và có thể gây xót cho cây. Kiểm tra độ tơi xốp của đất thường xuyên để đảm bảo khả năng thoát nước.
Cách tưới nước
Cây tùng thơm có kích thước nhỏ nên dùng vòi xịt phun sương để tưới là hợp lý. Các loài lá kim ít bị thoát hơi nước nên nhu cầu nước không cao. Vì vậy tránh tưới nhiều nước để không làm thối rễ cây.
Sâu bệnh
Ưu điểm của cây tùng thơm là cây có mùi hương giúp xua đuổi sâu bọ khá hiệu quả. Vì vậy cây cũng ít bị sâu bệnh hơn các loại cây khác. Những cành lá bị héo, hỏng hoặc bị bệnh nên được loại bỏ bằng cách cắt tỉa để không lây bệnh cho các cành lá khác.