Cách chăm sóc cây xanh trồng trong nhà để cây luôn xanh tốt

Bên cạnh việc ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, các chất ô nhiễm trong nhà đến từ thảm, sợi, amiăng, khói, bụi, vi khuẩn cũng góp phần ảnh hưởng đến sức khỏe của chính chúng ta. Trồng cây xanh trong nhà có thể góp phần nào loại bỏ được những khí độc hại, lọc bớt bụi mịn trong không khí. Một số cây cảnh có cơ chế sinh học ngược hấp thụ cacbonic và cung cấp oxy cả ngày lẫn đêm cho con người, cải thiện giấc ngủ cho chúng ta.

Cây cảnh đặt trong nhà sẽ có cách chăm sóc khác với cây cảnh đặt ngoài trời hay trồng trong đất vườn. Bởi các yếu tố như ánh sáng, độ ẩm sẽ khác nhau, vì vậy việc chăm sóc cây cảnh trong nhà cũng sẽ cầu kỳ hơn. Trong bài viết này, CÂY XANH QUẢNG NINH sẽ chia sẻ tới các bạn cách chăm sóc cây xanh trồng trong nhà để cây luôn xanh tốt.

1. Ánh sáng tự nhiên cho cây

Không phải bất kỳ vị trí nào trong nhà cũng có thể đặt cây xanh, bạn hãy đảm bảo đầy đủ ánh sáng cho cây phát triển. Trong phòng khách thì nên đặt cây ở vị trí có ánh sáng tự nhiên khoảng 2 – 3 giờ trước khi di chuyển cây đến chỗ khác.

2. Tưới nước đều đặn

Cũng giống như con người, cây xanh cũng cần có nước để duy trì và phát triển sự sống, vì vậy bạn hãy thường xuyên tưới nước cho cây. Không nên tưới quá nhiều, khi nào thấy đất trồng khô thì tưới nước.

Ngoài ra, có thể dùng bình phun sương để phun cho cây, mùa hè 2 lần/ngày, mùa đông thì 1 lần/ngày để tăng thêm độ ẩm cho cây, làm sạch lá, có lợi cho quá trình quang hợp của cây.

3. Bón phân

Bón phân cho cây là công việc vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình sinh trưởng phát triển của cây. Cứ khoảng nửa tháng – 1 tháng bạn nên bón phân tổng hợp cho cây 1 lần. Một mẹo nhỏ nếu bạn không có thời gian bón phân cho cây thường xuyên, hãy dùng nước vo gạo tưới cho cây.

4. Phòng bệnh cho cây và cách hồi phục khi cây khô héo

Cây cảnh trong nhà không nên sử dụng thuốc trừ sâu hay các loại thuốc kích thích bởi có thể làm hại đến không khí trong nhà. Nếu cây bị bệnh, nên đưa cây ra vườn điều trị khỏi rồi đặt lại cây vào nhà.

Trong trường hợp cây khô quắt, lá vàng úa, héo rụng,…thì nên cắt bỏ các lá vàng úa, khô héo, tưới nước đầy đủ. Đồng thời có thể hòa phân đạm vào nước với nồng độ thấp để tưới cho cây, mỗi tuần một lần, sau mỗi tháng thì sẽ tăng dần lượng.

5. Bảo vệ cây khỏi trẻ nhỏ và thú cưng

Cây trồng trong nhà tiềm ẩn nguy hiểm bởi sự tấn công của thú cưng hoặc trẻ nhỏ. Nhiều con vật như mèo, chó, thỏ hay gặm lá cây hoặc cào cấu đất trồng trong chậu vương vãi, làm ngã đổ cây. Trẻ nhỏ thì hay dùng kéo hoặc tay cắt, bẻ lá cành. Khi trồng cây cảnh trong nhà bạn cần lưu ý bảo vệ cây khỏi những đối tượng này.

Đồng thời, nhiều cây cảnh tuy trồng được trong nhà nhưng trong thân, lá, rễ hay hoa có một phần chất độc gây bỏng rát hoặc ngộ độc nếu chạm phải hoặc ăn nhầm. Bạn cần đặt cây tránh xa thú cưng hoặc trẻ nhỏ để bảo vệ chúng khỏi bị ngộ độc.

6. Trồng lại cây hàng năm

Trồng lại cây hàng năm cũng là cách chăm sóc cây cảnh trong nhà mà bạn nên lưu ý. Cây được trồng lại bởi cây đã quá to so với chậu, bạn nên trồng lại cây ít nhất 1 lần/năm. Thời điểm thích hợp để trồng lại cây đó là màu xuân hay đầu hè, lúc đó thời tiết thuận lợi.

Khi đưa cây ra khỏi chậu, lắc mạnh để đất cũ rơi khỏi rễ. Nếu bầu rễ quá chặt và không thể nhấc lên được, sử dụng một con dao lớn để lách vào phần đất sát thành chậu và dưới đáy chậu. Sau khi nhấc cây ra, hãy thêm đất mới vào đáy chậu. Đặt cây trở lại và thêm đất mới xung quanh chậu. Mỗi loại cây phù hợp với từng loại đất khác nhau, vì vậy bạn nên lưu ý tìm hiểu trước khi sang chậu cho cây nhé.

Trả lời