Bạn là người yêu cây cảnh và đang muốn trồng cây Phú Quý? Thế nhưng bạn chưa biết gì về nó ngoài cái tên. Công dụng của cây Phú Quý là gì, ý nghĩa phong thủy của cây Phú Quý như thế nào, cây Phú Quý hợp mệnh gì, cách trồng cây Phú Quý làm sao. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ các thông tin. Hãy khám phá từng phần để hiểu rõ hơn về loại cây này nhé.
Đặc điểm cây Phú Quý
Phú Quý là tên tiếng Việt của cây Aglaonema Red. Ngay từ tên gọi đã thấy được đặc điểm của cây, đó là màu đỏ (red). Cây nổi bật bởi thân màu trắng hồng khá đẹp, vươn thẳng phân nhiều nhánh lá. Lá cây mỏng, bầu ở cuống, nhọn ở đầu. Những chiếc lá lớn, mép nguyên, viền đỏ hồng, bề mặt bóng nhẵn màu xanh đậm. Cây có rễ dài, rễ chùm màu trắng ngà.
Phú Quý thuộc loài cây bụi, lan rất nhanh, có thể nhân giống bằng cách tách bụi. Cây sống được ở cả hai môi trường đất và nước. Gặp điều kiện chăm sóc thuận lợi, cây ra hoa từng cụm vàng được bao bọc trong mo hoa trắng muốt.
Công dụng của cây Phú Quý
Cây Phú Quý được trồng nhiều để trang trí trong nhà ở, quán cafe, văn phòng làm việc hoặc những quầy kế toán, tiếp tân, thu ngân. Cây có tác dụng lọc không khí rất tốt, loại bỏ được formaldehyde, benzen, giảm bớt khói bụi cho môi trường sống trong lành hơn.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu trồng cây Phú Quý tại bàn làm việc, cây sẽ lan tỏa nguồn năng lượng tích cực sang cho bạn, giúp người trồng giải tỏa được căng thẳng, phấn chấn vui vẻ hơn để làm việc hiệu quả. Ngoài ra, đây còn là món quà tặng rất phù hợp nhân dịp khai trương, tân gia, lễ tết.
Cây Phú Quý trong phong thủy
Ý nghĩa phong thủy của cây Phú Quý
Màu đỏ là màu của may mắn, do đó cây Phú Quý trong phong thủy là cây biểu tượng cho những điều tốt lành. Đồng thời, giống như tên gọi mà người ta đặt cho cây, Phú Quý mang đến sự giàu sang, tài lộc, phú quý cho người trồng. Nếu bạn tặng cho ai đó hoặc được người khác tặng cây Phú Quý thì có nghĩa là cầu chúc những điều tốt đẹp, mong muốn một cuộc sống thịnh vượng, phát tài.
Cây Phú Quý hợp mệnh gì?
Theo các chuyên gia phong thủy, những người mệnh Hỏa có màu sắc của bản mệnh là đỏ, cam, hồng, tím. Ngoài ra mệnh Hỏa rất hợp với màu xanh lá cây thuộc hành Mộc. Cây Phú Quý lại đáp ứng đầy đủ những điều kiện đó. Lá cây màu xanh thẫm, viền bọc quanh lá màu đỏ, thân cây màu hồng. Chính vì thế, cây Phú Quý hợp mệnh gì, câu trả lời là hợp mệnh Hỏa.
Người mệnh Hỏa trồng cây Phú Quý như giảm bớt những căng thẳng, kiềm lại tính khí bốc đồng, gia tăng thêm vận khí tốt, tài lộc càng hanh thông để họ có thể phát triển sự nghiệp ở vị trí cao hơn.
Bên cạnh đó, những người thuộc mệnh Thổ cũng rất hợp trồng cây Phú Quý (vì Hỏa sinh Thổ hay màu đỏ tương sinh với mệnh Thổ). Cây sẽ góp phần mang tài lộc và vận may đến cho gia chủ mệnh Thổ.
Cách trồng cây Phú Quý
Cây Phú Quý trồng trong đất
Yêu cầu đất trồng cây Phú Quý đó là phải nhiều chất dinh dưỡng và tơi xốp. Bạn có thể trộn hỗn hợp đất cùng mùn cưa, xơ dừa, tro trấu để vừa thông thoáng mà vẫn giữ ẩm đủ cho cây. Một cách hỗ trợ thêm là nên sử dụng chậu trồng có lỗ thoát nước ở đáy dành cho cây Phú Quý. Nhớ bón lót trước khi trồng bằng phân hữu cơ bạn nhé.
Đối với cây Phú Quý trồng trong đất, bạn cần tưới ẩm khi thấy mặt đất thật khô. Định kỳ khoảng một tuần tưới 2 lần là được. Nếu để cây ngoài trời, nhiều sương và có mưa thì hạn chế tưới nước hơn. Trường hợp thời tiết khô nóng thì tăng số lần tưới nước cho cây.
Khi Phú Quý trồng chậu lan bụi quá rậm, người trồng cần tách bụi cho cây hoặc thay chậu. Tách bụi thì nhân thêm nhiều cây mới, còn thay chậu thì tạo điều kiện để cây sinh trưởng tốt hơn.
Cây Phú Quý trồng trong nước
Nhiều người chuộng trồng cây Phú Quý trong nước vì cách làm này giúp tăng vẻ đẹp của cây. Bạn có thể tha hồ ngắm nghía bộ rễ trắng ngà của cây Phú Quý trong chiếc bình thủy tinh trong suốt. Cũng dễ dàng trang trí cho chậu cây tùy thích. Đơn giản thì vài viên sỏi trắng, đá màu vào chậu trồng. Cầu kỳ thì thêm hai, ba chú cá bảy màu tung tăng bơi lội. Nuôi thêm cá trong chậu trồng cũng là cách để hạn chế loăng quăng sinh trưởng.
Để chuyển cây Phú Quý từ đất sang cách trồng thủy sinh, mọi người cần chú ý rửa thật sạch bộ rễ. Nhẹ nhàng cắt bỏ rễ hư thối hoặc quá dài, loại bỏ hết bụi bẩn, rễ đen. Nếu kỹ hơn, bạn hãy ngâm rễ trong nước khoảng 1, 2 ngày. Sau đó là hòa tan vài giọt dung dịch thủy sinh cùng nước sạch và cho cây vào chậu trồng. Đảm bảo rằng nước chỉ đủ ngập rễ thôi bạn nhé, đừng để ngập lá vì sẽ úng lá làm thối nước đấy.
Đối với cây Phú Quý trồng thủy sinh, người trồng nên chú ý quan sát nước trong chậu. Nếu nước đổi màu, hơi đục hoặc vàng, thì cần thay nước cho cây ngay. Trường hợp nước vẫn trong thì chỉ cần châm thêm khi thấy nước cạn và thay nước 2 tuần/lần. Khi thay nước, bắt buộc dùng nước sạch, không mặn không phèn không axit hay hóa chất. Tốt nhất nên xài nước lọc hoặc nước máy đã bay hơi hết clo. Và nhớ rửa sạch rễ cũng như vệ sinh chậu mỗi khi thay nước bạn nhé.
Cách chăm sóc cây Phú Quý
Cung cấp ánh sáng
Cây Phú Quý thuộc dòng cây ưa bóng râm, sống tốt dưới ánh sáng khuếch tán hoặc trong điều kiện ánh đèn huỳnh quang. Do đó, người ta thường trồng cây Phú Quý trong nhà hơn là ngoài vườn. Tuy thế, để cây có màu lá đẹp hơn thì một tuần bạn nên mang cây ra phơi nắng nhẹ buổi sớm trước 10h. Tuyệt đối tránh ánh nắng gay gắt vào buổi trưa vì có thể làm cháy lá cũng như chết cây.
Ngoài ánh sáng ra, còn cần lưu ý đến nhiệt độ và độ ẩm của môi trường trồng cây Phú Quý. Cây vẫn sống được trong phòng điều hòa, lý tưởng nhất vẫn là từ 15 – 30°C. Nhiệt độ cao quá hoặc thấp quá thì cây khó phát triển được. Tránh trồng cây nơi có lửa, nhiệt cao như gần bếp nấu.
Bổ sung dinh dưỡng
Dù bạn trồng cây Phú Quý trong đất hay trồng cây Phú Quý thủy sinh thì cũng cần bổ sung dinh dưỡng cho cây. Đối với cây Phú Quý trồng đất, có thể pha loãng phân bón lá, phân NPK cùng nước và tưới dưới gốc cho cây 2 tháng/ lần. Cây Phú Quý trồng trong nước cần nhỏ vài giọt dung dịch dinh dưỡng mỗi tuần một lần để phát triển tốt hơn.
Bảo vệ khỏi sâu bệnh
Cây Phú Quý dễ bị bệnh phấn trắng, đốm lá hoặc rầy bám. Người trồng cần lau sạch lá thường xuyên để phòng bệnh cho cây. Dùng nước muối, oxy già hoặc nước vôi pha loãng để lau nhẹ nhàng trên lá mỗi tuần bạn nhé. Đây cũng là cách để giữ cây luôn tươi tắn và sạch sẽ hơn.